Trường Mầm non Trường Sơn - Đức Thọ

http://mntruongson.pgdductho.edu.vn


CHƯƠNG TRÌNH HỌC MONTESSORI

Chuẩn bị môi trường học tập
Đối với phương pháp học Montessori, môi trường học tập của trẻ là điều quan trọng nhất, môi trường còn đóng vai trò như một người giáo viên. Tại sao việc chuẩn bị môi trường học tập lại quan trọng đến như vậy? Người giáo viên không cần đưa cho trẻ mọi thứ mà trẻ cần để học hay sao? Đúng vậy, nhưng ở đây còn nhiều điều hơn vậy.
Trẻ hấp thu những thứ trẻ nhìn thấy bằng mắt vào não ngay lập tức. Cấu trúc của não bộ trẻ thay đổi trực tiếp bởi sự tương tác của trẻ với môi trường xung quanh. Vì vậy, người giáo viên cần phải chuẩn bị môi trường học tập thật sự kĩ càng từng chi tiết.
Vậy, một lớp học Montessori cần phải được chuẩn bị như thế nào?
  • Thực hành cuộc sống:
Mục tiêu của những hoạt động thực hành cuộc sống đó là kiến tạo cho trẻ sự độc lập về thể chất và trí tuệ. Đây là góc đặc biệt cho trẻ cái nhìn vô cùng thực tế về cuộc sống thường ngày xung quanh trẻ - học cách giải quyết vấn đề để trả lời cho những câu hỏi vô thức của mình.
Những bài học của góc thực hành cuộc sống:
  • Những bài học căn bản:
- Làm thế nào để sử dụng bồn rửa tay
- Làm thế nào để làm ướt và vắt bọt biển
- Làm thế nào để lấy đúng lượng giấy vệ sinh
- Cách lật trang sách
- Cách kéo ghế/ đẩy ghế vào bàn
- Cách bê ghế/ bàn/ giường
- Làm thế nào để sử dụng kẹp quần áo/ kẹp giấy
Mục đích: tách biệt những bài học cá nhân mà sau này sẽ trở thành một nhiệm vụ lớn hơn. Ví dụ: Trước khi dạy trẻ đeo tạp dề trước khi thực hiện hoạt động vẽ, bài học đầu tiên của trẻ sẽ lần lượt là: lấy tạp dề, đặt lên bàn, cầm tạp dề đeo vào cổ, cột dây. Những bài học này không hề liên quan tới vẽ mà chỉ liên quan giữa trẻ và tạp dề.
  • Những bài học chăm sóc bản thân:
- Cách vắt nước cam
- Cách cắt bánh mì/ chuối/ táo
- Cách giã hạt đậu
- Cách xay hạt đậu/ hạt cà phê/ yến mạch
- Cách mài quế
- Cách phết bơ vào bánh mì
- May vá
 Mục đích: Các bài học này giúp trẻ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bản thân mỗi ngày, tạo dựng và rèn luyện sự tự tin (sự tự tin được hình thành tự nhiên khi trẻ thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ trước đó)
  • Những bài học chăm sóc môi trường xung quanh:
- Quét hạt đậu
- Quét bụi
- Quét nhà
- Gấp quần áo
- Lau bàn/ ghế
- Cách sắp xếp bàn ăn
- Chăm sóc cây cối
- Cắm hoa
Mục đích: kết nối với môi trường xung quanh và chịu trách nhiệm với môi trường của chính mình. Chăm sóc môi trường xung quanh tạo cảm giác vui vẻ, tự hào – niềm vui không chỉ là khi thấy môi trường sạch sẽ mà còn là sự sắp xếp có thẩm mỹ cho môi trường của mình.
  • Những bài học kiểm soát chuyển động:
- Đi bộ trên đường thẳng, mũi chân này chạm gót chân kia.
- Đi bộ trong phòng học với 1 ly nước đầy trên tay
Mục đích: thông qua các cử động, trẻ có thể tổ chức và xây dựng trí thông minh của mình.
  • Những bài học về phép ứng xử lịch sự:
- Cách để thu hút sự chú ý từ giáo viên một cách lịch sự
- Cách để xin giúp đỡ
- Cách nói cám ơn, xin lỗi, không có chi, làm ơn
- Phép chờ tới lượt
- Cách mời bạn khác chơi với mình
- Cách từ chối lịch sự
- Làm thế nào nếu bạn lấy đồ chơi
Mục đích: Những bài học về phép ứng xử lịch sự giúp trẻ tiếp nhận vẻ đẹp trong kĩ năng giao tiếp giữa con người với con người và áp dụng trong cuộc sống thường ngày, to lớn hơn là trong nền văn hóa của đất nước. Những bài học này hình thành sự tự tin, độc lập vì chúng tạo dựng cho trẻ cách ứng xử tử tế với cộng đồng.
 Cảm quan:Cảm quan (Sensorial) xuất phát từ gốc từ tiếng Anh (senses) có nghĩa giác quan. Điều đó có nghĩa học môn cảm quan là trẻ học cách nhận thức, định hình thế giới xung quanh mình thông qua các giác quan trên cơ thể.
Bà Maria Montessori  tin rằng trẻ bắt đầu trải nghiệm thế giới bằng cảm quan ngay từ lúc mới lọt  lòng mẹ.  Thông qua các giác quan, đứa trẻ học về môi trường xung quanh mình. Rồi qua các bài học đó, thì trẻ hiểu được thế giới mà chúng đang là 1 thành viên ở trong đó. Đối với Montessori thì mỗi đứa trẻ là “một nhà thám hiểm cảm quan”.
Bằng việc học và chơi với các giáo cụ cảm quan trong bộ thiết bị Montessori, trẻ sẽ nắm được phương pháp phân loại mọi thứ xung quanh chúng, và từ đó sẽ dần hình thành nên kinh nghiệm sống của riêng mình. Việc biết phân loại vật thể là những bước đầu tiên trong sự hình thành trí thông minh của trẻ, qua đó sẽ giúp chúng ngày càng thích nghi với môi trường sống.    
Tất cả mọi người đều biết, trẻ em rất thích chơi với các hình khối, chơi xây dựng. Những giáo cụ giác quan Montessori thu hút sự khám phá thế giới quan qua:
  Những bài học về xúc giác: trẻ sẽ tiếp xúc với vật thể bằng cách sờ hoặc chạm vào chúng. Mặc dù toàn bộ bề mặt cơ thể, lớp da của con người là xúc giác nhưng trong khi học Montessori thì trẻ chỉ dùng đến các đầu ngón tay, đặc biệt là đầu các ngón tay phải. Vì điều này giúp cho trẻ tập trung vào vật thể mà chúng đang cảm nhận thông qua một phần rất nhỏ của cơ thể.- Cảm nhận các chất liệu khác nhau của tấm vải
- Cảm nhận bảng nhẵn/ ráp
- Cảm nhận các tấm chất liệu khác nhau
- Cảm nhận các tấm có nhiệt độ khác nhau
- Các khối trụ có núm
  • Những bài học về thị giác: trẻ sẽ học cách dùng mắt để phân biệt, phân loại các vật thể giống nhau và khác nhau như thế nào
- Hộp màu số 1 (màu cơ bản)
- Hộp màu số 2 (màu cơ bản và màu thứ cấp)
- Hộp màu số 3 (thể hiện các mức độ đậm tăng dần của các màu đỏ, xanh lục, vàng, xanh lá cây, tím, nâu, cam, hồng, xám)
- Tháp hồng
- Thang nâu
- Các khối trụ không núm
- Hộp nhị thức/ hộp tam thức
- Tủ hình học
- Tủ hình dạng của lá
- Khối hình học
- Cây gậy đỏ 
  • Những bài học về thính giác: trẻ học cách phân biệt các âm thanh khác nhau. Thông qua việc thực hành các bài tập khác nhau trong môn học này, trẻ sẽ ngày càng nhạy cảm hơn với âm thanh trong môi trường sống của mình.
- Ống tạp âm
- Bộ chuông
  • Những bài học về khứu giác:
- Ống khứu giác
  • Những bài học về vị giác:
- Lọ vị giác
  • Ngôn ngữ:
“Ngôn ngữ là điểm trọng tâm khác biệt giữa loài người và tất cả các giống loài khác. Ngôn ngữ nằm ở gốc rễ của sự biến đổi của môi trường mà chúng ta gọi là nền văn minh…Ngôn ngữ là dụng cụ của tập hợp tư duy … và phát triển với tư duy của loài người … Vì vậy, ngôn ngữ là sự biểu hiện thực sự của một loại trí thông minh siêu phàm.” (The Absorbent Mind, MM, pg. 98-99)
Ngôn ngữ là một lĩnh vực rất quan trọng trong Montessori. Với bất kỳ độ tuổi nào, việc phát triển ngôn ngữ luôn gắn liền với sự phát triển của con người. Theo triết lý của tiến sỹ Maria Montessori thì “giai đoạn quan trọng nhất của một con người không phải là giai đoạn học đại học, mà là giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi”. Điều đó để thấy rằng việc phát triển ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn này là một yêu cầu quan trọng mà rất nhiều người làm trong lĩnh vực giáo dục không thực sự coi trọng. Một số khác thì đề cao nhưng thiếu phương pháp.
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trên 4 phương diện: Nghe, nói, đọc, viết. Với mỗi phương diện này thì có những phương pháp khác nhau để phù hợp với trẻ ở độ tuổi mầm non dễ dàng tiếp thu, dễ học, dễ nhớ. Những bộ giáo cụ ngôn ngữ được thiết kế đặc biệt vừa mang tính đơn giản cho trẻ, vừa mang tính khoa học trong giáo dục cao.
Trẻ có thể học một hay nhiều ngôn ngữ như nhau khi có môi trường cụ thể là người nói những ngôn ngữ đó.
Ngôn ngữ bắt đầu bằng ngôn ngữ nói. Chỉ cần học, làm việc, sống trong một môi trường mà khi gọi tên tất cả mọi thứ các em cũng đã có một vốn vài nghìn từ. Sau đó đến ngôn ngữ viết. Maria Montessori cho rằng viết những suy nghĩ của mình ra dễ hơn đọc suy nghĩ của người khác. Đọc được không đồng nghĩa với việc hiểu được những điều mình vừa đọc. Rồi đến đọc hiểu là cuối cùng.
Một trong những điều xuyên suốt chương trình học của Montessori là trẻ luôn học qua trải nghiệm, học với đồ dùng thật để thực sự hiểu được kiến thức. Chỉ khi hiểu, con người mới có thể nhớ được những điều vừa học.
Ngôn ngữ nói được giới thiệu một cách cụ thể. Các bài học thính giác trợ giúp các em rèn luyện tai nghe cho các âm trong các ngôn ngữ. Các em luôn được tôn trọng, luôn được lắng nghe, sống trong môi trường trộn độ tuổi đa dạng giúp các em tiếp nhận ngôn ngữ sinh động từ xung quanh, có các tình huống sử dụng ngôn ngữ chủ động, các giờ học hát, đọc thơ, kể chuyện, chơi trò chơi ngôn và thẻ ngôn ngữ giúp trẻ luôn muốn giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ nói hiệu quả.
  • Toán học
Toán học liên quan đến hình dạng, không gian, số học, các mối quan hệ và các thuộc tính của chúng bằng cách sử dụng chữ số và ký hiệu.  Đó là bộ môn khoa học về hình khối bao gồm hình khối của tất cả các thể loại, như hình số học, hình trừu tượng, hình dáng và chuyển động. Trong lớp học Montessori, hầu hết các hoạt động toán học được trình bày cho trẻ bao gồm: Đếm, số học, hệ thập phân, tính toán, phép tính số học, phân số và hình học,… Chúng tôi bắt đầu cho trẻ tiếp xúc với toán học trong hai năm cuối của bậc học mẫu giáo (4 hoặc 5 đến 6 tuổi)
Trí óc là Toán học tự nhiên:
Khả năng đếm, tính toán và sử dụng các quan hệ số học là một trong những món quà lớn mà loài người được ban tặng. Trẻ nhỏ tự nhiên bị hấp dẫn bởi bộ môn khoa học của các con số. Toán học, giống như ngôn ngữ, là sản phẩm cúa trí thông minh con người. Vì thế, nó là một phần bản năng tự nhiên của loài người. Nó giúp con người hiểu biết về thế giới mà họ đang sống. Tất cả loài người đều có khuynh hướng tự nhiên đối với toán học, kể cả trẻ nhỏ. Do đó, có thể nói rằng loài người có trí tuệ toán học. Montessori nắm bắt ý tưởng này từ nhà triết học người Pháp Pascal. Bà nói rằng trí tuệ toán học là “một loại trí tuệ được tạo dựng nên với sự chính xác.” Trí tuệ toán học có xu hướng dự đoán, đo đếm, nhận biết danh tính, sự giống nhau, khác nhau và các hình thái, để sắp xếp trật tự, trình tự và kiểm soát lỗi.
 Ở Ngôi nhà trẻ thơ (ngôi nhà Montessori đầu tiên cho trẻ em thành lập vào năm 1907), trẻ phản ứng lại một cách chủ động đối với các tình huống giáo dục. Trẻ tại Ngôi nhà trẻ thơ quá nhỏ để đi học ở trường công nhưng chúng đã bộc lộ khao khát mãnh liệt và sự say mê đối với toán học. Để đáp ứng lại sự đam mê này, Montessori đã phát mình ra một loại các dụng cụ toán học cụ thể khiến nhiều nhà toán học, nhà giáo dục học ngày nay ngạc nhiên. Trong một khoảng thời gian ngắn, trẻ có thể cộng và trừ các con số có 4 chữ số lên đến 9999. Sớm sau đó, trẻ sẽ tiến đến phép nhân, phép chia, đếm nhảy cóc và thành thạo thậm chí cả những công thức toán cao cấp và trừu tượng.
Trải nghiệm toán học Montessori:
Phương pháp Montessori hướng theo các cách thức phát triển phù hợp với trẻ để chúng khám phá toán học. Theo quan sát, các nguyên tắc bao gồm:
  • Cuộc hành trình toán học bắt đầu từ trải nghiệm cụ thể và sau đó dẫn dắt trẻ hướng đến trừu tượng hóa.
  • Có một tiến độ kéo dài từ đơn giản đến phức tạp. Hầu hết các bài học đểu là sự chuẩn bị cho bước tiếp theo.
  • Tất cả các bài học được tiến hành theo tiến trình như sau:
  • Đầu tiên, trẻ được giới thiệu một số lượng nhất định một cách riêng biệt, và được giới thiệu tên gọi.
  • Sau đó, các ký hiệu (chữ số) cho các số lượng liên quan được giới thiệu một cách riêng biệt.
  • Cuối cùng sẽ tạo dựng nên sự kết hợp giữa các số lượng này và các ký hiệu.
Các nhóm bài tập thực hành toán học:
Các bài tập toán học trong Montessori được gộp thành nhóm. Tiến độ phát triển từ 1 nhóm này đến nhóm khác hầu hết là có trình tự, tuy nhiên đôi khi trẻ cũng được giới thiệu các bài học từ các nhóm khác nhau một cách song song. Giáo trình cho trẻ mẫu giáo (3-6 tuổi) thường bao gồm 3 – 4 nhóm đầu tiên, trong khi đó các nhóm còn lại được giới thiệu ở các giai đoạn sau.
Nhóm 1 (Chữ số từ 1 – 10)
Các bài học trong nhóm này giới thiệu trẻ cách đếm và các con số từ 0 đến 10 thông qua các trải nghiệm cụ thể. Các bài học bao gồm: Gậy số; Số nhám; Số in; Hộp que tính; Thẻ số và hạt; Các thanh hạt cườm màu vàng và nhiều màu; Trò chơi ghi nhớ.
Bằng cách thao tác với các dụng cụ này, trẻ xây dựng được các khái niệm cơ bản từ 1 đến 10, không chỉ nhớ được trật tự tự nhiên của các con số mà còn nhận biết được mối quan hệ giữa số lượng và chữ số.
Nhóm 2 (Hệ thập phân)
Nhóm này được giới thiệu khi trẻ đã hoàn toàn hiểu biết về các con số đến 10. Trẻ được giới thiệu các tầng bậc của hệ thập phân và cách hệ thập phân này hoạt động. 4 phép tính (công, trừ, nhân, chia) cũng được giới thiệu tại cấp độ này.
Nhóm 3 (Đếm trên 10)
Các bài học thuộc nhóm này có thể được giới thiệu song song với các bài học của hệ thập phân (nhóm 2), nhưng chỉ khi các bài tập đó được tiến hành tốt.  Các bài học của nhóm 3 bao gồm: hàng đơn vị, hàng chục, đếm tuyến tính và đếm nhảy.
Nhóm 4 (Ghi nhớ bảng phép tính số học)
Nhóm này có thể được giới thiệu song song với các hoạt động sau cuối của hệ thập phân và trong khi các bài học nhóm 3 đang được tiếp tục.
Nhóm 5 (Con đường đến sự trừu tượng)
Nhóm các bài học này cho phép trẻ ngừng sử dụng các dụng cụ học tập bởi vì trẻ đã sẵn sang để làm việc với các ký hiệu trên giấy. Các bài học này có thể học cùng với nhóm 4. Ví dụ: trẻ biết cách thức và bảng học phép cộng có thể làm các phép tính cộng trong nhóm này trong khi em có thể vẫn đang làm việc với các phép tính khác trong nhóm 4.
Nhóm 6 (Phân số)
Phân số có thể được giới thiệu song song với các bài học của nhóm 5. Một số bài học bắt đầu như học phân số qua các giác quan có thể được bắt đầu sớm hơn vậy. Các bài học nâng cao trong nhóm này như viết phân số và các phép tính với phân số có thể được giới thiệu muộn hơn khi trẻ đã thu nhận được nhiều kiến thức hơn về các khái niệm trừu tượng.
 
 

Tác giả bài viết: Phu Dong Lotus

Nguồn tin: Sưu tầm:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây