Trường Mầm non Trường Sơn - Đức Thọ

http://mntruongson.pgdductho.edu.vn


CÔ GIÁO MẦM NON TÀI TĂNG, YÊU NGHỀ

CÔ GIÁO MẦM NON TÀI TĂNG, YÊU NGHỀ
"Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng như không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình." - Đó chính là tâm sự của cô giáo Phạm Thị Hồng Lĩnh - PHT trường Mầm non Trường Sơn - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Ở vùng quê Đức Thọ, hình như ai cũng biết đến cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ, nhiều tài năng này.
       Cô Hồng Lĩnh được sinh ra và lớn lên từ miền quê nghèo nơi miền Tây xứ Nghệ. Từ tháng 9 năm 2001, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô giảng dạy tại trường Mầm non thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, với năng lực chuyên môn vững vàng và nhiều tài năng khác, sau những thành công trong những kỳ thi giáo viên dạy giỏi, cô đã được tuyển dụng vào biên chế, được cử làm cán bộ cốt cán chuyên môn của phòng GDĐT huyện Tân Kỳ và hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển. Đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh ai cũng yêu mến và khâm phục tài năng của cô. Sau 6 năm công tác tại ngôi trường này, dù đã có rất nhiều kỷ niệm gắn bó, nhưng bước chân theo chồng về làm dâu tại quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh, cô đã phải xa ngôi trường này trong nỗi niềm luyến tiếc của kẻ ở, người đi.
      Từ tháng 8 năm 2006 đến nay, cô chuyển về công tác tại trường Mầm non Trường Sơn, thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Những ngày đầu mới về làm dâu quê hương xứ người còn nhiều bỡ ngỡ, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, cô chỉ được nhận dạy hợp đồng ngắn hạn tại trường với đồng lương ít ỏi. Công việc đứng lớp của người giáo viên Mầm non dẫu có nhiều mệt mỏi, áp lực, đồng nghiệp, bạn bè còn xa lạ chưa có mối nhân duyên gắn kết, song với bản tính yêu nghề, mến trẻ, nhiệt tình trong công việc, chan hòa, thân ái với mọi người, luôn sống và làm việc hết mình vì tập thể, vì người khác, cô đã nhanh chóng được BGH và các giáo viên, phụ huynh, học sinh trong nhà trường tin tưởng, quý mến. 
           Cô tâm sự với chúng tôi rằng ''Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên.” Phải chăng vì thế, cô rất yêu nghề, mến trẻ, coi trẻ như con đẻ của mình, luôn quan tâm và đối xử công bằng với trẻ, tận tâm, tận tụy với từng học trò, với từng tiết dạy, với từng đồ dùng phục vụ cho công tác dạy học, với từng câu chuyện cô kể, với mỗi bức tranh cô vẽ trên tường, với từng nốt nhạc cô đánh trong các giờ dạy hát, dạy múa cho các em... Vì thế, cô luôn đảm bảo chất lượng và hiệu quả nuôi dạy trẻ; chăm sóc, giáo dục trẻ đạt chất lượng cao. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn tìm mọi biện pháp nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập, góp phần thu hút trẻ đến trường; thực hiện xuất sắc mục tiêu, yêu cầu của ngành học giáo dục mầm non; hướng dẫn, vận động được nhiều cha mẹ các cháu nuôi dưỡng, chăm sóc con theo phương pháp khoa học; được cha mẹ các cháu tín nhiệm. 
                     
Hình ảnh: Cô cháu chụp ảnh kỷ niệm sau giờ Vui chơi.   
              Sau một thời gian công tác tại trường, cô đã được BGH nhà trường và đồng nghiệp tin tưởng bầu làm tổ trưởng chuyên môn. Trên cương vị công tác mới, cô càng có ý thức hơn trong việc trau dồi chuyên môn nghiệp vụ của bản thân và không ngại khó khăn giúp đỡ đồng nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Một mặt, cô vừa  cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc mà phòng giáo dục cũng như nhà trường giao cho, mặt khác, cô luôn là người đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ và hướng dẫn tận tình cho nhiều giáo viên trong trường đạt kết quả cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, trong các kỳ thao giảng, trong các giờ dạy mẫu; tham gia dạy chuyên đề cho giáo viên... Bên cạnh đó, cô còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm về công tác giảng dạy đạt giải cấp Huyện, cấp Sở, có ý nghĩa nhân rộng cho các giáo viên bậc mầm non học hỏi.
          Không chỉ là giáo viên đứng lớp có chuyên môn vững vàng, không chỉ là một cán bộ tổ có nhiều nỗ lực, nhiều tâm huyết vì nhà trường, vì tập thể,  cô Hồng Lĩnh còn có nhiều tài năng khác như làm đồ dùng dạy học, cô làm nhiều đồ dùng dạy học độc đáo, hữu ích như những bộ sách truyện nổi, theo công nghệ 3D; thành thạo công nghệ thông tin, thiết kế giáo án điện tử, tham gia làm bài giảng Elearning dự thi và xếp loại 1 cấp huyện. Ngoài ra, cô còn có thể sử dụng đàn óocgan đánh các bài hát trong chương trình phục vụ cho việc dạy học, văn nghệ, ngày hội lễ... Đặc biệt, cô còn có năng khiếu hội họa, vẽ tranh tường. Trong nhiều năm qua, cô đã tự tay trang trí cho trường mình những bức tranh tường đẹp, độc đáo, phù hợp với trẻ mầm non, tiết kiệm cho nhà trường hàng chục triệu đồng. Đến với ngôi trường Mầm non Trường Sơn, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước những bức tranh tường do cô giáo tự vẽ, không khí, môi trường của nhà trường trở nên thân thiện hơn, sinh động hơn, bắt mắt hơn nhờ những bức tranh này. 
               
                   Hình ảnh: Cô Hồng Lĩnh đang vẽ trang trí tranh tường với hình ảnh trò chơi dân gian “ Rồng rắn lên mây”.
          Không chỉ 'giỏi việc trường', cô Hồng Lĩnh còn xứng đáng là một tấm gương phụ nữ 'đảm việc nhà'. Hết giờ làm việc ở trường, cô lại trở về nhà trong vai trò người con dâu hiếu thảo, người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát, khéo tay, hay làm, giàu đức hy sinh. Cô có biệt tài nấu nướng, làm những món ăn ngon, độc đáo, đặc biệt là bánh, chè, kem, mứt... Công việc nữ công gia chánh cũng là một niềm say mê sáng tạo không ngừng nghỉ của cô, không chỉ để gia đình có những bữa ăn ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn là dịp để phát huy tính nghệ thuật, năng khiếu và sự chịu khó của người phụ nữ hiện đại. Mỗi lần được chiêm ngưỡng, thưởng thức những món ăn do cô Lĩnh nấu, những món chè, món bánh cô Lĩnh làm, nhiều đồng nghiệp, học sinh lại càng ngưỡng mộ cô hơn. Không ít đứa trẻ ở trường đã mong mình có được một người mẹ khéo tay như cô giáo Hồng Lĩnh. Không ít đồng nghiệp đã được xích lại gần nhau hơn, yêu mến nhau hơn, vui vẻ hơn khi những ngày nghỉ được tụ tập đến trường, đến nhà để cùng cô Lĩnh làm những món ăn ngon và cùng thưởng thức.
                                                        
Hình ảnh: Một số món ăn do cô Lĩnh chế biến.
           
Hình ảnh: Cô Lĩnh đang đánh đàn cho trẻ hát và dạy trẻ khuyết tật 
học đàn Oocgan.
              Cho đến thời điểm hiện nay, cô Hồng Lĩnh đã trải qua 16 năm công tác, trong đó có 10 năm giảng dạy tại trường Mầm non Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Bằng cái tâm, cái tài, sự nỗ lực của bản thân cùng với sự sẻ chia, giúp đỡ của đồng nghiệp, sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Đức Thọ, cô Hồng Lĩnh đã có 8 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, đạt giải Nhì cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2012, được Giám đốc Sở GDĐT và Chủ tịch tỉnh tặng Bằng khen và được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường từ này 04 tháng 10 năm 2016
   
            Hình ảnh: Cô Hồng Lĩnh hướng dẫn giáo viên trong tổ sử dụng phần mềm “ Giáo án điện tử”
         Thành quả mà cô gặt hái được trong lĩnh vực chuyên môn đã là một nền tảng vững chắc cho một nấc thang mới trong sự nghiệp trồng người. Ngày nay, với vai trò là người cán bộ quản lý trên chính ngôi trường đã vun đắp cho mình lớn lên, trưởng thành trong sự nghiệp, cô càng tâm huyết hơn với công việc chuyên môn cũng như quản lý của mình. Niềm say mê với nghề, lòng yêu trẻ, sự tận tâm, nhiệt tình với đồng nghiệp, sự chan hòa, thẳng thắn và nhân ái trong lối sống của cô đã lan tỏa trong nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh nhà trường. Ở cương vị nào cô cũng thật sự mẫu mực, chịu thương, chịu khó, hết lòng vì người khác. Cô đang ngày đêm tìm tòi, học hỏi những đổi mới trong công tác giảng dạy và quản lý để góp phần truyền đến cho đồng nghiệp của mình những niềm say mê mới, truyền đến cho ngôi trường của mình một sức sống mới, một diện mạo mới đáp ứng với những đòi hỏi, yêu cầu mới của sự nghiệp GDĐT trong giai đoạn hiện nay. 
    
Hình ảnh cô Phạm Thị Hồng Lĩnh trong ngày Khai giảng năm học mới 2017 - 2018.
       Dù rất giản dị và khiêm tốn nhận mình chỉ là một hạt gạo nhỏ trong một đất nước lớn', nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, không có những hạt gạo nhỏ thì không thể góp phần làm nên một đất nước lớn, cũng như không có một bông hoa thì không thể làm nên một rừng hoa. Cô Hồng Lĩnh quả như một đóa hoa đang khoe sắc trong rừng hoa của nghành GDĐT Đức Thọ nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, chúng ta tự hào và ngưỡng mộ những bông hoa như thế và mong muốn sẽ ngày càng được nhân rộng nhiều hơn nữa.  
                                                                               
 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Thúy Vinh

Nguồn tin: Nha truong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây