Trường Mầm non Trường Sơn - Đức Thọ

http://mntruongson.pgdductho.edu.vn


PHỐI KẾT HỢP VỚI PHỤ HUYNH TRONG CÔNG TÁC CHĂM SÓC GIÁO DỤC TRẺ MẦM NON

Như chúng ta đã biết chăm sóc giáo dục trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng của bậc học Mầm Non. Cho đến nay có rất nhiều hình thức và phương pháp chăm sóc trẻ khác nhau như phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ theo hướng đổi mới, hay phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ theo hướng Mầm Non, và với rất nhiều chuyên đề, nổi trội như chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; chuyên đề “Kỹ năng sống”… dù có thực hiện phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ theo hướng nào nếu như chỉ có nhà trường và giáo viên nỗ lực cố gắng mà không có sự phối kết hợp với gia đình và các bậc phụ huynh về cách chăm sóc giáo dục trẻ thì hiệu quả giáo dục sẽ không cao.
Vậy chúng ta phải phối hợp như thế nào, bởi vì công tác tuyên truyền thì hầu như giáo viên nào cũng đã thực hiện, nhưng tuyên truyền như thế nào để đạt được hiệu quả, khoa học và điều quan trọng là để trẻ phát triển mọi mặt “Đức – Trí – Thể - Mỹ”, giao tiếp ứng xử mới là điều quan trọng và chúng ta cần phải quan tâm. Nhận thức được tầm quan trọng đó nên tôi đã chọn nội dung tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh để thống nhất một số biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ theo khoa học.
Năm học 2017- 2018 tôi được BGH phân công phụ trách lớp 4 - 5 tuổi B, trong quá trình chăm sóc và thực hiện tôi gặp một số thuận lợi và khó khăn sau:
Thuận lợi: Đa số các cháu ngoan, nhanh nhẹn, có nề nếp trong các hoạt động của lớp, phụ huynh luôn quan tâm ủng hộ và hiểu được các công việc của cô ở trên lớp và các hoạt động chăm sóc trẻ ở trường….
Khó khăn: Các cháu ở lớp đa số là trẻ trai (20/27 trẻ), nên các cháu có phần tinh nghịch hơn trẻ gái, và có một số phụ huynh chưa thấy được tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non, chưa quan tâm giáo dục trẻ về lễ giáo cũng như thói quen văn minh lịch sự hàng ngày như chưa biết chào hỏi lễ phép khi đến lớp và về nhà…
Dựa vào những thực tế đó, tôi thấy việc tuyên truyền tới phụ huynh về phương pháp và biện pháp chăm sóc và giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non là một việc làm thiết thực và vô cùng quan trọng. Qua công tác chăm sóc và áp dụng thực tế, bản thân tôi thấy công tác phối hợp với các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ có tác dụng rất lớn, nếu làm tốt được điều này sẽ:
+ Tạo được sự thống nhất giữa gia đình và nhà trường về việc chăm sóc giáo dục trẻ, tạo được sự thống nhất về nội dung phương pháp cách thức tổ chức chăm sóc giáo dục trẻ ở lớp học cũng như ở gia đình, tránh được những mâu thuẫn về cách chăm sóc giáo dục trẻ giữa gia đình và nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành thói quen và các phẩm chất nhân cách tốt ở trẻ.
VD: Một cách giáo dục rất đơn giản trong phương pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ đó là có nhiều trẻ có thói quen nói trống không, không đủ câu khi đến lớp cháu không chủ động chào cô, không chủ động chào bố mẹ, nếu có nhắc thì cháu chỉ nói: “Chào cô”.  “Chào ông”… Không nghiêm túc và không có chủ ngữ… ngay từ thời gian đầu đến lớp các cô giáo rất quan tâm rèn và sửa cho cháu nói và chào đủ câu… nhưng chỉ ở trên lớp và trước mặt cô thì cháu rất lễ phép nhưng qua trò chuyện thì bà của cháu cho biết ở nhà cháu vẫn nói trống không và chưa ngoan. Qua đó cho thấy nếu muốn trẻ có ý thức và thói quen nói lễ phép với người lớn tuổi thì cần phải có sự giáo dục uốn nắn của cả 2 phía gia đình và nhà trường. Nếu như chỉ có sự giáo dục ở trên lớp của cô mà không có sự uốn nắn và sửa sai thêm cho trẻ ở gia đình thì sự giáo dục đó sẽ có 2 mặt: thứ nhất trong ý thức của trẻ không nhận thức được cần phải nói lễ phép vì trẻ thấy đến lớp nói trống không sẽ bị cô sửa sai và phê bình ngay nhưng về nhà trẻ thấy nói thoải mái thì không sao, chính vì vậy mà cần phải có sự thống nhất cách giáo dục giữa gia đình và nhà trường thì trẻ mới có nhận thức đúng đắn và có sự phát triển về nhân cách một cách toàn diện. Vì thế để giáo dục trẻ ngay từ những buổi đầu đến lớp tôi đã chủ động chào bố mẹ trẻ và trẻ, nhắc nhở trẻ chào bố mẹ, cô giáo, chiều về tôi nhắc trẻ chào cô giáo, chào bố mẹ và ông bà… nếu thấy trẻ tiến bộ tôi nêu gương và khen trẻ ngay tại lúc đó và trong các buổi “Nêu gương cuối tuần” ở lớp.
Bên cạnh đó tôi còn sưu tầm các bài thơ, câu chuyện, bài hát… có nội dung lễ giáo để dạy trẻ như bài hát: “Lời chào”, “Cháu yêu bà”, “Hoa bé ngoan”…; bài thơ “Lấy tăm cho bà”; “Quạt cho bà ngủ”… qua đó tôi giáo dục trẻ về thói quen lễ giáo ở mọi lúc, mọi nơi và tôi thấy thu được kết quả rất lớn.
Để thực hiện tốt công tác phối kết hợp với các bậc cha mẹ ngay từ đầu thông qua các buổi họp phụ huynh tôi đã thực hiện công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về nội dung chương trình học của bé, thống nhất một số biện pháp chăm sóc và dạy trẻ, hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc giáo dục con ở nhà.
Phối kết hợp với các bậc cha mẹ không chỉ giúp cha mẹ và giáo viên có kiến thức chăm sóc trẻ một cách có khoa học mà còn giúp cho cha mẹ hiểu được thêm công việc của giáo viên ở lớp cũng như giáo viên hiểu được hoàn cảnh và điều kiện sống của trẻ ở gia đình để có biện pháp giáo dục phù hợp, tạo nên mối quan hệ thân thiết cởi mở, thân thiện giữa phụ huynh và giáo viên.  
Phối kết hợp với cha mẹ trong việc thực hiện chựơng trình chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho trẻ về kiến thức chăm sóc cũng như theo dõi sức khoẻ của trẻ theo định kỳ bằng biểu đồ tăng trưởng.
Phối kết hợp vơí cha mẹ trẻ trong việc thực hiện chương trình giáo dục trẻ (giáo viên cùng kết hợp với cha mẹ trẻ giúp trẻ thực hiện tốt chương trình chăm sóc giáo dục theo từng chủ đề, chủ điểm)
Ví dụ: Để thực hiện tốt chủ đề “Thế giới Động vật”, giáo viên thông báo với các bậc cha mẹ về những nội dung cần kết hợp như sau:
- Sưu tầm giúp lớp những tranh ảnh, sách báo cũ có liên quan đến chủ đề đang học. Trẻ biết được các tên gọi, đặc điểm, lợi ích ...của các con vật. Trẻ biết yêu quý, chăm sóc, bảo vệ các con vật. Trẻ biết được con vật nào nên gần gũi – con vật nào hung dữ không được đến gần con vật đó… qua đó phụ huynh cũng nắm bắt được phần nào những kiến thức của con mình cần học trong chủ đề và luôn có sự phối kết hợp với cô giáo để cùng tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được học và tham gia vào các hoạt động.
Ngoài ra tôi còn phối kết hợp với ban phụ hunh của lớp và phối kết hợp cùng với nhà trường trong việc tổ chức ngày lễ, ngày hội…
Để phụ huynh có nhận thức và hiểu sâu sắc hơn về công việc của giáo viên hàng ngày ở lớp, tôi đã mời cha mẹ trẻ dự giờ các tiết học của các con trên lớp và các hoạt động của trẻ ở trường, qua đó cha mẹ vừa có một sự đánh giá về công việc hàng ngày của cô, các hoạt động một ngày của con ở trường cũng như sự nhận thức và tiếp thu của con mình đến đâu để từ đó có sự giáo dục tốt nhất.
Qua thực tế cho thấy nếu như gia đình và nhà trường có sự kết hợp chặt chẽ thì sẽ tạo nên được một mối quan hệ gần gũi cởi mở giữa 2 bên và cả 2 bên sẽ nhận được những đóng góp chân thực và những kinh nghiệm rất thiết thực và quý báu trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, có sự phối kết hợp chặt chẽ với phụ huynh tôi nhận thấy thu được kết quả rất tốt: các cháu tiếp thu kiến thức do cô truyền đạt rất tốt, các bài tô vẽ có tiến bộ hơn rất nhiều về tô màu cũng như phối kết kết hợp màu sắc, các giờ học thì hăng hái tham gia phát biểu ý kiến và sôi nổi hơn, phụ huynh thì quan tâm đến đến con em mình nhiều hơn, giữa cô giáo và phụ huynh luôn có sự gần gũi, cởi mở khi trao đổi các hoạt động của con trên lớp.
Qua nhiều năm thực hiện và áp dụng thực tiễn việc tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về công tác giáo dục trẻ bản thân tôi rút ra được những bài học như sau:
+ Giáo viên cần nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ, có tâm huyết của cô giáo mầm non.
+ Luôn tìm tòi, suy nghĩ để có hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp với các bậc phụ huynh.
+ Tạo mối quan hệ cởi mở giữa phụ huynh và giáo viên.
+ Thường xuyên trao đổi với phụ huynh về thực tế của trẻ ở trên lớp để phụ huynh cùng cô giáo kịp thời có biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ sao cho hiệu quả.
                                                                                                                                          Tiên Điền, ngày 30/12/2017
                                                                                                                                       Người viết: Nguyễn Thị Thiện

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thiện

Nguồn tin: Internet:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây