Trường Mầm non Trường Sơn - Đức Thọ

http://mntruongson.pgdductho.edu.vn


Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các cơ sở giáo dục

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các cơ sở giáo dục
Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đội ngũ nhà giáo trong cả nước đã không ngừng rèn luyện, cống hiến góp phần vào thành công chung của ngành giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Những dấu ấn quan trọng mà nữ đoàn viên và lao động cùng với toàn ngành triển khai tích cực trong thời gian qua đó là thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc. Điển hình là phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, cuộc vận động “Dân chủ- Kỷ cương -Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, đặc biệt là phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” đã được triển khai sâu rộng trong các cơ sở giáo dục. Nhiều tập thể, cá nhân đã phấn đấu không mệt mỏi, cống hiến tài năng trí tuệ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ.
Tuy nhiên đứng trước những thuận lợi, thách thức đang đặt ra trước mắt, thiết nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tất cả các cơ sở giáo dục. Bởi lẽ thời kỳ hội nhập sẽ tạo thời cơ thuận lợi cho nhà giáo học tập, tiếp cận thông tin để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam.
Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI đã ban hành Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng, trong đó Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kêu gọi các tầng lớp phụ nữ quyết tâm học tập, rèn luyện các phẩm chất: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang. Ngành giáo dục đã nghiên cứu và triển khai Tiểu Đề án II trong tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học.
Nữ nhà giáo có phẩm chất tự tin có thể hiểu là sự tự tin vào chính năng lực của bản thân, tin vào những giá trị đích thực do cá nhân rèn luyện bền bỉ mới có được. Người có bản lĩnh tự tin luôn thể hiện sự chủ động, bình tĩnh, tác phong đĩnh đạc, đàng hoàng, khôn khéo xử lý các tình huống diễn ra trong đời sống xã hội và gia đình; Sẵn sàng sẻ chia, cộng tác, vượt qua định kiến giới, những suy nghĩ không đúng hoặc chưa đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ trong cơ quan, trường học, trong cộng đồng. Phẩm chất tự tin của nữ nhà giáo còn thể hiện ở niềm tin, sự kỳ vọng vào khả năng cống hiến, tự chủ động làm việc của bản thân, tổ bộ môn, khoa phòng đối với sự nghiệp đào tạo của nhà trường. Dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với sự thật, biết lắng nghe, đấu tranh với những sai trái, bênh vực cái đúng, lẽ phải, vượt qua mọi khó khăn, sống có lý tưởng, có mục đích, và vì tương lai của quê hương, đất nước vì sự phát triển của gia đình xã hội. Trong thực tế, trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, biết kiềm chế, khiêm tốn rút kinh nghiệm sau mỗi công việc để triển khai việc làm sau tốt hơn. Nếu đứng về góc độ sinh học, người tự tin có quá trình hưng phấn cân bằng ức chế, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, biết phân tích phê bình, biết xử lý hài hòa các mối quan hệ trong cuộc sống cũng như trong công tác.
Yêu cầu đối với nữ nhà giáo và lao động trong giai đoạn hiện nay ở lòng tự trọng, coi trọng, giữ gìn phẩm giá, danh dự của bản thân, trong cuộc sống hàng ngày trong giờ giảng, trong sinh hoạt tập thể và gia đình luôn ý thức được vai trò, vị trí, giá trị của bản thân, tự tôn trọng mình thể hiện ở sự suy nghĩ khách quan, những hành động đúng; tôn trọng thành quả lao động của đồng nghiệp, người thân, của cộng đồng xã hội. Thực hiện nghiêm túc đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế, quy ước của cơ quan, trường học, cộng đồng. Điều đó chúng ta còn thấy rõ phẩm chất tự trọng được thể hiện ở nhà giáo khi họ tự giác, thái độ vui vẻ khi nhận nhiệm vụ hoặc giúp đỡ người khác mà không lệ thuộc vào sự kiểm tra giám sát của cơ quan, đoàn thể, tổ chức nào.
Trong những năm qua, đội ngũ nữ đoàn viên và lao động trong toàn ngành luôn thể hiện tinh thần yêu nước, yêu ngành, yêu nghề, giàu lòng nhân ái, thủy chung, sống có trước có sau, yêu quý mọi người. Nghĩa là trong bất kỳ trường hợp nào, nữ nhà giáo sống có lương tâm trách nhiệm, luôn quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng, không làm điều gì tổn hại đến lợi ích của dân tộc. Biết độ lượng, bao dung với người khác, nhưng lại nghiêm khắc với bản thân, biết nhận và sửa chữa lỗi lầm, không kích động lôi kéo người khác làm những việc thiếu thiện chí để ảnh hưởng tới mọi người.
Phẩm chất trung hậu có thể hiểu đó là sự trung thành, trung hậu, nhân hậu, có quan hệ tình cảm đúng mức đối với gia đình và mọi người. Hiểu theo nghĩa rộng, biểu hiện của lòng trung hậu là sự trung thành với tổ quốc với nhân dân, tôn trọng thành quả cách mạng, sự hi sinh cống hiến xương máu của các thế hệ ông cha, hiểu rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Chúng ta còn được hiểu phẩm chất trung hậu còn thể hiện ở lòng nhân ái, vị tha, tình yêu thương con người, ước nguyện đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc.
Phẩm chất trung hậu còn đòi hỏi ở nữ nhà giáo sự thủy chung son sắt trong mối quan hệ gia đình, xã hội, giàu lòng yêu thương, giúp đỡ những gia đình giáo viên, học sinh, sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống giản dị, chân thành, khách quan và đoàn kết thân ái với tất cả mọi người.
Phẩm chất đảm đang là một nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Công đoàn giáo Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”trong các hoạt động cụ thể của mỗi cơ sở giáo dục. Đối với xã hội, nữ nhà giáo là người luôn sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn, xã hội, có quan hệ tốt với đồng nghiệp, học sinh, sinh viên. Đối với gia đình nữ nhà giáo có kỹ năng quán xuyến công việc, tổ chức tốt cuộc sống gia đình là nhân tố xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình; chi tiêu hợp lý để đảm bảo nguồn thu và chi; động viên mọi người học tập tham gia các hoạt động xã hội. Bản thân nữ nhà giáo, cũng cần phải làm việc khoa học để làm tốt việc trường và chăm lo tốt cho gia ffinhf, hoàn thành thiên chức của người phụ nữ Việt Nam.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của nữ nhà giáo và lao động, cần làm rõ tại sao phải nắm vững nội dung giáo dục phẩm chất đạo đức của phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hình thức tuyên truyền có thể thông qua các hội nghị chuyên đề, mở chiến dịch truyền thông vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của phụ nữ, của ngành giáo dục, trong dịp học chính trị đầu năm, hoặc các giờ sinh hoạt ngoại khóa hoặc trao đổi qua mạng, bảng tin nhà trường, tờ rơi tùy thuộc vào điều kiện của địa phương. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của công đoàn giáo dục các cấp, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho từng năm học. Tổ chức học tập bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam, của phụ nữ ngành giáo dục, gắn với quy định về đạo đức nhà giáo theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó chú ý đến báo cáo thực tế minh họa, bằng tấm gương người thật, việc thật giúp chị em hiểu hơn giá trị, ý nghĩa tại sao thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế cần có các phẩm chất: Tự tin – Tự Trọng – Trung hậu – Đảm đang.
Hình thức học tập nên linh hoạt và sử dụng thảo luận nhóm, cử đại diện trình bày nội dung cơ bản của chương trình sẽ giúp chị em hiểu, nhớ và vận dụng vào thực tế đời sống giáo dục.
Chỉ đạo lồng ghép các phong trào thi đua, các phẩm chất: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang vào các hoạt động của các cấp công đoàn, của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ. Có thể tổ chức các hội thi viết, hỏi đáp dân chủ, sáng tác thơ văn, âm nhạc… có 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi vì một yếu tố góp phần cho sự thành công của mọi hoạt động đó là tính mới mẻ và khả năng thực thi. Không nên cứng nhắc, hình thức trong việc tổ chức các hoạt động và phải trả lời được các câu hỏi ai thực hiện? hiệu quả là gì?
Tổ chức sự kết đánh giá việc học tập, rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể tổ chức tọa đàm, gặp mặt những cá nhân tiêu biểu trong giảng dạy, phục vụ, những học sinh, sinh viên có quá trình phấn đấu, học tập và rèn luyện tốt, khen thưởng – động viên kịp thời những tấm gương tốt trong công tác tự học tự bồi dưỡng; Hoặc cũng có thể biểu dương từng mặt trên cơ sở tiêu chí đánh giá chung.
Đối với nữ nhà giáo và lao động, xác định quá trình học tập – rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là dịp để tự khẳng định mình, tự đánh giá điểm mạnh điểm yếu của mỗi cá nhân, xây dựng lối sống công nghiệp, làm việc khoa học, năng động, học hỏi, nghiêm túc, tỉnh táo, thông minh, biết điều chỉnh cho phù hợp hoàn cảnh. Từ việc rèn luyện, nâng cao nhận thức để chuyển đổi hành vi, trở thành người phụ nữ mẫu mực, nâng cao vị thế, thanh danh của nhà giáo.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Công đoàn Giáo dục Việt Nam, phụ nữ ngành giáo dục luôn tự hào và quyết tâm học tập rèn luyện để đạt chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập.

Tác giả bài viết: TS. Vũ Thị Thanh Bình - Nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Nguồn tin: Sưu tầm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây