Trường Mầm non Trường Sơn - Đức Thọ

http://mntruongson.pgdductho.edu.vn


Cách phòng bệnh suy dinh dưỡng và béo phì cho trẻ

Trong khi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đang giảm dần thì tỉ lệ trẻ bị béo phì lại tăng lên. Mà theo y học thì cả hai tình trạng này đều là bệnh lý đặc biệt lại là bệnh lý mãn tính,khó chữa.
BS Nguyễn Thị Hoa, Khoa Dinh dưỡng – BV Nhi đồng 1 cung cấp một vài nguyên tắc phòng bệnh suy dinh dưỡng và béo phì cho trẻ:
Dinh dưỡng hợp lý:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên: tức chỉ bú mẹ, không uống nước hay bất cứ một loại thức ăn nào khác.
- Cho trẻ ăn dặm khi được 4-6 tháng tuổi: thức ăn dặm phải đủ 4 nhóm thức ăn: bột, đạm, dầu, rau và phải ăn cả xác thức ăn.
- Rau xanh và trái cây tươi luôn luôn tốt hơn nước ép trái cây. Mỗi người lớn cần ăn 300-400gr rau xanh mỗi ngày. Trẻ em chỉ cần một muỗng canh rau bằm nhỏ trong một chén bột hoặc cháo là đủ.

- Sữa là thực phẩm cung cấp can xi và đạm quý nên cần thiết cho mỗi lứa tuổi: mỗi ngày ít nhất hãy cho trẻ uống 300- 500ml sữa.
- Tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh khi còn nhỏ: Ăn nhiều loại thức ăn, ăn chậm nhai kỹ, tự xúc ăn, không ăn ngọt, không ăn mặn, không xay nát thức ăn, không vừa ăn vừa xem truyền hình, không uống nước ngọt khi ăn, không ăn vặt trước giờ ăn, không ăn quá no hoặc quá đói. Cha mẹ không nên ép buộc, la hét khi trẻ đang ăn.
Tóm lại là: ”Hãy biến bữa ăn thành bàn tiệc mà mọi người đều là khách được chiêu đãi bởi một chủ nhà thông minh và tế nhị.”

Đừng lười biếng và hãy yêu thiên nhiên:
Nếu ăn đúng nhưng không hoạt động, suốt ngày ngồi một chỗ xem truyền hình, chơi trò chơi điện tử … thì ta sẽ “đẹp” và yếu như một bông hoa. Cơ bắp không phát triển, cuộc sống thụ động mà được mệnh danh là “củ khoai tây salon”. Vì vậy, chúng ta nên: 
- Cho trẻ xem truyền hình dưới 2 tiếng/ngày.
- Hãy đi bộ hoặc xe đạp đến trường, công sở.
- Hãy cho trẻ chơi thể thao 3 lần một tuần. Hãy chọn loại hình thể thao nào mà dễ chơi và ít tốn kém nhất, phù hợp
với hoàn cảnh của bạn và con.
- Hãy chơi cùng con, bạn sẽ trẻ ra và luôn là người bạn tâm lý của con.
- Hãy cho con đi thăm bà con hoặc đi du lịch ít nhất một lần trong năm. 
Hãy lắng nghe cơ thể :
- Cần luôn biết rõ tháng này trẻ tăng cân như vậy là thiếu, đủ hay thừa. Và cả bạn cũng vậy. Nếu tăng cân thiếu hay thừa thì cần điều chỉnh ngay, đừng để kéo dài quá 3 tháng vì như vậy sẽ muộn để phòng chống suy dinh dưỡng và béo phì đấy.

- Hãy phát hiện sớm những bất thường của sức khỏe như mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn… và đến ngay bác sĩ của bạn để xin ý kiến 
Thận trọng với thuốc:
- Chỉ uống thuốc sau khi được bác sĩ chỉ định.
- Đừng phó mặc sức khỏe của trẻ và của bạn cho những “lời mách” của hàng xóm vì họ có một cơ thể khác bạn hoàn toàn, cho dù thuốc của họ cũng được bác sĩ ghi toa, vì bạn cũng biết rằng bác sĩ chỉ ghi toa trên tình trạng của họ chứ không phải của bạn và của con bạn.
- Bạn nên nhớ thuốc không phải là thức ăn nhé. Mà thức ăn sai đôi lúc còn gây “hậu quả nghiêm trọng” nữa là thuốc.
- Tóm lại là “hãy đem xe tới thợ sửa xe và hãy đem sức khỏe đến bác sĩ” , đừng làm ngược lại nhé.

Theo VnMedia

Tác giả bài viết: Theo VNMedia

Nguồn tin: Nha truong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây